Đến sáng 30/6, thế giới có tổng số 182.562.543 ca nhiễm và 3.953.326 ca tử vong vì dịch COVID-19, sau khi ghi nhận thêm lần lượt 370.191 và 7.458 ca trong vòng 24 giờ qua. Mặc dù tốc độ lây lan của đại dịch đang chậm lại trên toàn cầu, song Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn cảnh báo đây chưa phải là lúc các quốc gia "ngủ quên trên chiến thắng" vì sự xuất hiện của biến thể Delta.

Xét nghiệm COVID-19 tại Tây Ban Nha. (Ảnh: AFP)

Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 30/6, đã có 167.162.911 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 11.446.306 ca bệnh đang điều trị, có 11.366.345 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,3%) và 79.961 ca (chiếm 0,7%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện vẫn hoành hành tại 222 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong 24 giờ qua, với thêm 64.903 ca nhiễm, Brazil là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Ấn Độ (45.699 ca) và Mỹ (10.924 ca). Cùng với đó, Brazil cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong một ngày qua với 1.917 ca, sau đó là Ấn Độ (816 ca) và Nga (652 ca).

Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy châu Á tiếp tục là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới, hiện ở mức 55.686.339 ca. Trong đó, 789.484 ca đã tử vong do COVID-19 và 53.072.655 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là: Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 30.361.699; 5.420.156 và 3.192.809 ca; và số trường hợp tử vong lần lượt là 398.484; 49.687 và 84.127 ca.

Với 47.911.595 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 30/6, châu Âu vẫn là khu vực có nhiều ca nhiễm nhiều thứ hai thế giới, trong đó có 1.101.545 ca tử vong và 45.371.162 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, châu lục này đã ghi nhận thêm 57.621 ca nhiễm và 964 ca tử vong mới vì COVID-19. Pháp, Nga và Anh tiếp tục là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 5.772.844; 5.493.557 và 4.775.301 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Và Nga hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực, với tổng số 134.545 ca, sau khi có thêm 652 ca trong 24 giờ qua, tiếp sau đó là Anh (128.126 ca) và Italy (127.542 ca).

Tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ tiếp tục tăng trong 24 giờ qua, khi có thêm 21.634 ca nhiễm COVID-19 và 491 ca tử vong vì dịch bệnh này, nâng các con số thống kê được tại khu vực này tới thời điểm hiện tại lên lần lượt là 40.577.192 và 917.530 ca. Đây là khu vực có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ ba thế giới. Với 34.526.990 ca nhiễm và 619.965 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 2.507.453 và 1.414.736 ca nhiễm, cùng 232.608 và 26.273 ca tử vong vì COVID-19.

Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 122.451 ca nhiễm và 3.200 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 32.798.030 ca và 1.000.961 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê của khu vực, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm 64.903 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm COVID-19 lên con số 18.513.305 vào thời điểm hiện tại, và 1.917 ca tử vong mới do dịch bệnh này, khiến tổng số ca tử vong đã ở mức 516.119 ca.

Tính đến sáng 30/6, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 5.514.520 ca, trong đó có 142.567 ca tử vong và 4.824.796 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 1.954.466 ca nhiễm và 60.264 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 13.347 ca nhiễm và 226 ca tử vong mới trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 530.585 và 414.182 ca nhiễm bệnh cùng 9.292 và 14.843 ca tử vong.

Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 74.146 ca nhiễm (tăng 340 ca) và 1.280 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19. Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 25 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 30.554 ca, trong đó 910 ca tử vong.

Mặc dù đại dịch đang chậm lại trên toàn cầu, song Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn cảnh báo đây chưa phải là lúc các quốc gia "ngủ quên trên chiến thắng" vì sự xuất hiện của biến thể Delta.

Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) châu Âu cảnh báo số người mắc biến thể Delta có thể chiếm tới 90% tổng số ca mắc COVID-19 mới ở châu Âu vào tháng 8 tới. Đây thực sự là một cảnh báo khiến nhiều nước lo ngại.

Các hãng truyền thông của Pháp và Đức ngày 29/6 đều cho biết cả Pháp và Đức đang đối mặt với sự gia tăng các ca bệnh do biến thể Delta, chiếm lần lượt hơn 20% và 50% số ca bệnh COVID-19 trên cả nước.

Tổ chức Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) ngày 29/6 cảnh báo biến thể Delta đang đẩy Indonesia tới bờ vực "thảm họa". Giường tại các bệnh viện điều trị COVID-19 của Indonesia gần như không còn chỗ trống trong mấy ngày qua. Số ca mắc COVID-19 mới tại nước này liên tục chạm các mốc kỷ lục trong vài ngày qua, trung bình mỗi ngày gần 20.000 ca.

Trong khi đó, hoạt động tiêm vaccine phòng COVID-19 vẫn chưa bắt đầu tại Burundi, Eritrea, Haiti, Triều Tiên và Tanzania - những quốc gia còn lại trong số 194 nước thành viên WHO chưa khởi động chương trình tiêm chủng phòng ngừa COVID-19. Tổ chức Y tế Thế giới ngày 29/6 tuyên bố sẽ trợ giúp 5 quốc gia chưa khởi động chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 này, trong khi thế giới đã tiêm chủng 3 tỷ liều vaccine tính đến ngày 29/6./.

Nguồn:https://dangcongsan.vn/thoi-su/bien-the-delta-gay-lo-ngai-tai-nhieu-nuoc-tren-the-gioi-584270.html